Cập nhật 7/9/2015 - 19:4
Máy đếm nhịp và hướng dẫn sử dụng
Máy đếm nhịp là một thiết bị cần thiết cho các bạn mới tập chơi đàn, nhất là đàn Piano vì đối với những người chơi nhạc cụ thì nhịp phách đóng vai trò khá quan trọng .
Rất nhiều bạn học đàn và dạy đàn đã biết về chiếc máy này nhưng không phải bạn nào cũng biết cách sử dụng nó hiệu quả nhất. Thậm chí có những bạn chưa từng nhìn thấy và thử qua máy đếm nhịp. Do đó, trong bài viết này Tiến Đạt sẽ giới thiệu với các bạn mẹo sử dụng máy đếm nhịp hiệu quả.
Máy đếm nhịp là thiết bị cần thiết cho người chơi Piano và rất nhiều nhạc cụ khác
Máy đếm nhịp hay còn gọi là Metronome có khả năng giúp người tập giữ nhịp đúng và kiểm soát tốc độ của nhịp. Trên thị trường hiện nay có khá nhiều các loại máy đếm nhịp khác nhau: Có loại cơ truyền thống, có loại dùng pin khá nhỏ gọn với tiếng kêu "bíp", cũng có loại có ánh chớp khi đánh nhịp. Cho dù là loại nào thì về nguyên tắc cách dùng cũng là tương tự nhau. Các bạn hãy mở máy đếm nhịp, cho nó chạy ở các loại nhịp khác nhau, lắng tai nghe và cảm nhận. Các bạn sẽ luôn thấy có 1 tiếng "đinh" nổi lên rõ nhất với tiếng kim đó chính là phách mạnh, phách đầu tiên của một ô nhịp.
Ví dụ các bạn sẽ nghe thấy như sau:
Nhịp 4/4 : Đinh - bíp - bíp - bíp/Đinh - bíp - bíp - bíp....
Nhịp 3/4 : Đinh - bíp - bíp/Đinh - bíp - bíp....
(Ảnh: Internet)
-
Nên hay không nên dùng Metronome trong việc luyện tập?
Câu trả lời là Có. Theo kinh nghiệm tập luyện của nhiều người thì việc sử dụng Metronome trong lúc tập rất có ích. Việc tập với Metronome sẽ cho bạn nền tảng vững chắc về nhịp, cấu tạo nhịp phách, từ đó mà tiến xa hơn trong việc trình bày các tác phẩm.
Tuy nó không giúp bạn chơi đúng nhịp (cái này thì dĩ nhiên phải xuất phát từ việc đọc kĩ bản nhạc - music sheet - và kiến thức nhịp phách, điệu của bạn), nhưng trong quá trình tập, có khi không tập trung hoặc vì lí do gì đó, đặc biệt khi tập bài mới, Metronome có thể giúp bạn nhận ra khi nào bạn đang chơi sai nhịp, cần nhanh lên hay chậm lại.
-
Mẹo nhỏ khi sử dụng máy đếm nhịp?
- Khi lên dây cót hết thì không nên cố vặn thêm sẽ làm hỏng máy.
- Để thay đổi loại nhịp các bạn rút hết cần chọn nhịp ra. Các bạn sẽ thấy có các vạch chỉ các loại nhịp cơ bản 6/8; 4/4; 3/4; 2/4. Căn cứ vào loại nhịp cần để tập luyện. Các bạn lại đẩy cần chọn loại nhịp vào tới đúng vạch chỉ nhịp.
- Căn cứ vào tốc độ các bạn đang tập, nhìn trên bảng số đo tốc độ, các bạn rút quả nặng trên con lắc cho tới khi mép trên của quả nặng ngang bằng với số chỉ tốc độ trên mặt máy đếm nhịp. Có một vài loại máy đếm nhịp, muốn rút quả nặng thì các bạn cần phải bóp 2 bên và kéo quả nặng lên xuống. Sau đó gỡ con lắc ra và lấy tay lắc nhẹ nhàng con lắc sẽ chạy, máy bắt đầu 1 chu trình làm việc.
- Về nguyên tắc các bạn không nên để máy đếm nhịp trong tầm với của trẻ em vì chúng rất dễ làm hỏng máy. Khi dùng xong các bạn nên đậy nắp cẩn thận.
-
Khi tập các bạn nên tuân thủ nguyên tắc:
Tập từ chậm tới nhanh, từ đơn giản tới phức tạp. Tôi xin nêu phương pháp dạy Piano tập với máy đếm nhịp như sau:
VD: khi tập gam Đô trưởng (Cdur) sau khi đã tập riêng từng tay và ghép được 2 tay, các bạn đã bắt đầu có thể sử dụng máy đếm nhịp cho việc tập luyện của mình để hoàn thiện kỹ thuật và tốc độ. Các bạn có thể để máy ở nhịp 4/4 và chọn tempo khoảng 90. Lúc đó ta sẽ tập mỗi nốt = một tiếng bíp trên máy đếm nhịp (có nghĩa là tốc độ nốt đen (tempo) = 90).
Sau khi đã tập tốt hơn ở tốc độ này, chúng ta nâng dần 10 số/lượt qua các mức (100/110/120 ...) cho tới khoảng 160. Khi đó chúng ta lại giảm tốc độ xuống khoảng 80 và bây giờ chúng ta sẽ chạy Gam Cdur với tiết tấu móc đơn. Có nghĩa là chúng ta sẽ chơi đều đặn 2 nốt = 1 tiếng bíp của máy đếm nhịp.
Tiếp đó chúng ta lại tăng dần tốc độ (5 số/lượt hay 10 số/lượt hoàn toàn tuỳ thuộc vào khả năng của người tập) cho tới khi đạt tốc độ khoảng 140. Khi đó chúng ta lại tiếp tục giảm đi còn một nửa (tempo = 70) và tập chuyển qua tiết tấu chùm bốn móc kép. Có nghĩa là ở tốc độ này chúng ta chơi 4 nốt = 1 tiếng bíp trên đàn. Sau đó lại tiếp tục tăng 5 số/lượt cho tới khi chúng ta đạt tốt độ khoảng 90. Đây là tốc độ mà các học viên mới tậ Piano phải phấn đấu hoàn thành.
Khi có thể chơi được móc kép = 90 thì là lúc bạn cũng bắt đầu có thể học được các tác phẩm tương đối khó với kỹ thuật chạy ngón điêu luyện.
-
Chú ý khi chơi đàn với máy đánh (gõ) nhịp:
- Học sinh trong khi bắt đầu tập một tác phẩm mới, hãy bắt đầu phân tích nhịp, tiết tấu của từng đoạn nhạc. Sau khi bài đàn khá trôi chảy và hoàn chỉnh, nên luyện tập với máy đánh nhịp và đa số các piano điện đều có chức năng này. Đối với nhiều học sinh, việc làm này rất tẻ nhạt, thậm chí gây khó chịu vì chơi nhạc một cách “cứng nhắc” như vậy sẽ làm mất đi phần hồn của tác phẩm. Đầu tiên học sinh sẽ có cảm giác muốn ném chiếc máy đánh nhịp ra khỏi cửa sổ. Nhưng càng tập, học sinh sẽ càng ngạc nhiên với khả năng giữ vững nhịp cho mình, và qua đó sẽ cải thiện trình độ của bạn rất nhiều. Để máy đánh nhịp ở tốc độ chậm, chỉ tăng tempo khi đã có thể chơi đúng với nhịp trước đó. Ngoài ra, chỉ nên tập một vài lần với máy để điều chỉnh nhịp của cả bài, không nên lúc nào cũng đàn với máy sẽ tạo ra sự máy móc cho tác phẩm.
- Chú trọng từng độ dài của nốt trong từng phần, tập kỹ từng đoạn nhạc và đảm bảo rằng tốc độ, giai điệu được thể hiện đúng. Bước này thực ra là để củng cố lại phần học nốt. Khi luyện tập cùng máy đánh nhịp, luôn nhớ giữ tốc độ ở mức độ chậm, tập luyện với từng phân đoạn ngắn. Mục đích cuối cùng là giúp học sinh luôn luôn có nhịp trong người, và sau này với những xử lý khác của tác phẩm học sinh vẫn luôn giữ vững nhịp mà không bị chi phối bởi những kỹ thuật khác.
Nhạc cụ Tiến Đạt nhận kỷ niệm chương dành cho đại lý bán hàng xuất sắc nhất do Yamaha trao tặng
Trung tâm nhạc cụ Tiến Đạt là đại lý độc quyền của thương hiệu
VALOTE HANDMADE GUITAR, đại lý chính thức của Yamaha tại Việt Nam. Chuyên phân phối các loại nhạc cụ: đàn Piano, đàn Organ, phụ kiện âm nhạc, đàn Guitar,
đàn Ukulele, trống cajon , đàn Piano cũ của Yamaha, Kawai và nhiều thương hiệu khác.... Nếu bạn có nhu cầu cần mua hay cần tư vấn về nhạc cụ hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Nhạc cụ Tiến Đạt sẵn sàng đồng hành cùng bạn trên con đường âm nhạc.
Với chế độ hậu mãi tốt nhất cho người tiêu dùng, TIẾN ĐẠT luôn đưa ra các chính sách đặc biệt về GIÁ cho các ban nhạc, trường học, trung tâm đào tạo nhạc và cửa hàng nhạc cụ nhỏ lẻ .Công ty luôn có chiết khấu giá cực kì ưu đãi cho khách hàng mua số lượng lớn, cửa hàng nhạc cụ, giá bán lẻ cạnh tranh cho khách hàng mua về sử dụng.
Ảnh: Internet
"Bài viết do Tiến Đạt tổng hợp và biên soạn, sao chép phải ghi rõ nguồn